Thuốc tốt từ quả cam

Quả cam là một trong những loại trái cây quen thuộc có chứa tinh dầu mang mùi thơm và nhiều vitamin C, rất mát và bổ dưỡng cho cơ thể. Ngoài ra, mọi bộ phận của cây cam từ lá, hạt, vỏ… đều có thể làm thuốc.

Theo y học cổ truyền, cam có vị ngọt, chua, tính hơi mát, công năng sinh tân giải khát, khai vị, chữa ho, đùng khi chán ăn, đầy tức ngực sườn, giải độc cá, cua, làm ốm và giải rượu. Vỏ quả cam có vị cay, mùi thơm, tính ẩm, có tác dụng tiêu đờm, thông khí trệ, giúp tiêu hoá...

Sau đây là một số công dụng:

Nước cam

- Quả cam đường dùng để ăn có nhiều tác dụng; lại được dùng làm thuốc giải nhiệt trị sốt, điều trị chứng xuất tiết và giúp ăn ngon miệng. Ngoài ra, còn có tác dụng giải rượu vì chứa nhiều vitamin C, Ca, P, K, caroten, acid citric và aureusidin… rất có ích cho cơ thể.

Thuốc tốt từ quả cam 1

- Nước cam còn có thể dùng làm sạch giúp cho da mịn màng, bằng cách dùng khăn lau mặt ngâm nước cam rồi chà xát da mặt.

- Nhiều chứng bệnh như miệng khát họng đau, ho khạc nhiều đờm… dùng cúc hoa rửa sạch, hãm với nước sôi, để nguội; cam tươi vắt lấy nước cốt, thêm vào nước cúc hoa dùng. Bài thuốc này có tác dụng sinh tân giải khát, thanh nhiệt giải độc, sơ tán phong nhiệt, khai vị tiêu thực, lý khí tan đờm.

Vỏ cam

- Vỏ cam hàm lượng caroten nhiều, 0,93 - 1,95% tinh dầu, có thể dùng làm thuốc kiện tỳ và điều tiết hương thơm. tác dụng khoan hung giáng khí, chữa ho, tan đờm… có hiệu nghiệm với viêm phế quản mạn tính.

- Uống nước vỏ cam nấu chín có tác dụng làm tăng nhu động ruột, chống bệnh táo bón.

- Vỏ cam phơi khô, sau đó cho vào túi thơm, treo trong phòng ngủ, nhà bếp hoặc tủ quần áo. Có tác dụng kích thích ngủ ngon giấc, đuổi muỗi, làm sạch không khí.

Thuốc tốt từ quả cam 2

Hạt cam

- Hạt cam có thể dùng làm mặt nạ: Lấy 2 thìa hạt cam cho vào máy xay nhuyễn, hòa lẫn với nước cất chế thành mặt nạ dạng hồ, dùng đắp mặt giúp nâng cao sức đề kháng của các mao mạch làn da, đạt mục đích co, se niêm mạc và da, hạn chế được mụn trứng cá. Tuần đắp 1-2 lần.

- Hạt cam phơi khô dưới bóng râm mát đem rang vàng, sau đó tán bộthòa uống 3 - 5g với nước đun sôi để nguội giúp điều trị phong thấp.

Lương y Hữu Đức

Cỏ tam giác cầm máu, tiêu thũng

Cỏ tam giác còn có tên gọi khác là tề thái, cây tề, địa mễ thái, cải dại. Theo Đông y, cỏ tam giác có vị ngọt nhạt, tính mát; có tác dụng bổ tỳ kiện vị, thanh can minh mục, chỉ huyết lợi niệu. Có tác dụng thanh nhiệt, giảm ho, cầm máu, lợi tiểu, tiêu thũng, trừ suyễn, dùng cho các trường hợp chảy máu cam, thổ huyết, khái huyết, niệu huyết, tiện huyết, viêm sưng kết mạc mắt, phù nề đầy trướng.

Ở nước ta, cây cỏ tam giác mọc hoang ở nhiều nơi, thường gặp trên những bãi cỏ ven bờ sông, bãi suối ẩm, ruộng hoang, cũng có khi được trồng. Ðể làm thuốc, người ta thu hái toàn cây, có khi bỏ rễ vào cuối xuân, mùa hè và mùa thu. Rửa sạch và phơi khô ngoài nắng hay trong râm ở nhiệt độ 30 - 45ºC.

Cỏ tam giác vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng bổ tỳ kiện vị.

Một số món ăn, bài thuốc có cỏ tam giác:

Chữa đi lỵ ra máu: Dùng cỏ tam giác cả rễ đốt tồn tính hay sao già, sắc uống.

Chữa cảm sốt cao, nổi mẩn, viêm thận phù thũng, đái ra dưỡng chấp: Cỏ tam giác khô 40g (hoặc 80g tươi) sắc uống riêng, hay phối hợp với các vị thuốc khác. Ngày uống 1-2 lần, uống liên tục trong 1-3 tháng.

Rong kinh: Một nắm cỏ tam giác tươi cho thêm một bát nước đun sôi uống, cứ 2 giờ uống một tách, liên tục 2 ngày thì cầm.

Chữa phế ung, tức ngực, khó thở, không nằm được, toàn thân phù thũng: Cỏ tam giác 20g, đại táo 5 quả. Thái đại táo thành nhiều miếng, sắc uống trong ngày.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, xuất huyết đáy mắt, choáng váng đau đầu: Cỏ tam giác tươi 50g, sắc nước uống thay trà hằng ngày.

Canh cỏ tam giác thịt lợn: Cỏ tam giác tươi 100g, xương lợn 80 - 100g. Ninh xương lợn cho nhừ rồi cho cỏ tam giác thái nhỏ vào, thêm gia vị. Ăn trong ngày 1 - 2 lần vào bữa chính. Dùng cho các trường hợp chảy máu cam, đái ra huyết, đau mắt đỏ...

Canh cỏ tam giác trứng gà: Cỏ tam giác tươi 200g, trứng gà 1 hoặc 2 quả. Cỏ tam giác rửa sạch cắt ngắn, cho vào nồi, thêm nước nấu thành canh. Khi rau chín nhừ, đập trứng gà vào, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp lao thận đái máu.

Chè cỏ tam giác, mứt táo, ngó sen: Cỏ tam giác 60g, ngó sen 20g, táo 5 quả, thêm nước nấu thành dạng canh hoặc chè đặc, ăn cả cái lẫn nước. Dùng cho các trường hợp chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Bác sĩ Nguyễn Đức

Bạch hoa xà thiệt thảo chống viêm

Bạch hoa xà thiệt thảo còn gọi cỏ lưỡi rắn hoa trắng, tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd., họ Cà phê (Rubiaceae). Cây thảo, mọc bò, dài 20-30cm. Thân vuông màu nâu nhạt, nhiều cành. Lá mọc đối, hình mác thuôn, đầu và gốc lá nhọn, có lá kèm. Hoa màu trắng, ít khi màu hồng, mọc đơn độc hay đôi ở kẽ lá. Quả khô bao bọc bởi lá đài tồn tại, hạt nhiều có cạnh. Bạch hoa xà thiệt thảo có chứa osid: asperulosid, scandosid methyl ester, 6.0. p coumaroyl scadosid...; các acid: oleanolic, p. coumaric, stigmasterol, ox-sitosterol và sitosterol-o-glucose. Vị ngọt đắng, tính hàn; vào kinh vị, tâm, can, đại tràng và tiểu tràng. Bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, tán ứ, chống u. Làm thuốc chống viêm, chữa phế nhiệt, hen suyễn, viêm họng, amiđan, viêm đường tiết niệu, viêm gan, viêm vùng chậu. Dùng ngoài chữa rắn cắn, côn trùng đốt, đau lưng, đau khớp. Hiện nay, bạch hoa xà thiệt thảo phối hợp với một số dược liệu khác dùng hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày, trực tràng, ung thư gan thời kỳ đầu. Ngày dùng 15-60g, sắc uống. Dùng ngoài: giã nát đắp chỗ đau.

Chữa viêm thận cấp có phù, nước tiểu có albumin: bạch hoa xà thiệt thảo 15g, xa tiền thảo 15g, bạch mao căn 30g, chi tử 10g, tô diệp 6g. Sắc uống.

Trị viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu dắt: bạch hoa xà thiệt thảo 30g, dã cúc hoa 30g, kim ngân hoa 30g, thạch vĩ 15g. Sắc uống.

Trị sỏi mật, viêm ống mật: bạch hoa xà thiệt thảo 30g, kim tiền thảo 30g, nhân trần 30g. Sắc uống.

Trị ho do viêm phổi: bạch hoa xà thiệt thảo (tươi) 40g, trần bì 8g. Sắc uống.

Trị viêm amiđan cấp: bạch hoa xà thiệt thảo 12g, xa tiền thảo 12g. Sắc uống.

Chữa mụn nhọt, vết thương: bạch hoa xà thiệt thảo 30-60g. Sắc uống.

Chữa trẻ sốt cao co giật: bạch hoa xà thiệt thảo tươi, giã nát, vắt lấy nước cho uống 1 thìa canh, ngày 2-3 lần

Hỗ trợ điều trị ung thư phổi: bạch hoa xà thiệt thảo 60g (hay 100g tươi), bạch mao căn 60g (hay 100g tươi). Sắc uống với nước đường.

Hỗ trợ điều trị các loại ung thư: bạch hoa xà thiệt thảo 40-60g, bán chi liên 30-40g. Sắc uống.

Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai.

Cần phân biệt với bạch hoa xà (Plumgbago zeylanica L. họ Đuôi công (Plumgbaginaceae): thân hóa gỗ, mọc thẳng, lá mọc so le, hình trứng hay bầu dục thuôn, mép lá lượn sóng, cuống lá ôm vào thân...

Cây bạch hoa xà thiệt thảo.

TS. Nguyễn Đức Quang

Vị thuốc hổ trượng căn

Cây hổ trượng.

Hổ trượng căn còn gọi là củ cốt khí, hoạt huyết đan, tử kim long, ban trượng căn, điền thất (miền Nam), là rễ phơi hay sấy khô của cây hổ trượng.

Hổ trượng là loại cây nhỏ, sống lâu năm, thân mọc thẳng, cao từ 1-2m. Thân không có lông, trên thân và cành thường có những đốm tím hồng. Lá mọc so le, có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, rộng, đầu trên hơi nhọn, phía cuống hoặc hơi phẳng hoặc hẹp lại, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn. Cuống dài 1-3cm. Bè chìa ngắn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, mang rất nhiều hoa nhỏ, cánh hoa màu trắng. Hoa đực có 8 nhị. Hoa cái có bầu hình trứng với 3 cạnh, 3 núm. Quả khô có 3 cạnh màu nâu đỏ.

Cây mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi Sa Pa (Lào Cai), được trồng bằng củ mọc rất dễ. Mùa thu hoạch quanh năm nhưng tốt nhất vào tháng 8-9 hoặc tháng 2-3. Khi thu hái đào lấy củ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất, cắt thành từng mẩu ngắn hoặc thái mỏng, phơi hay sấy khô.

Theo y học cổ truyền, hổ trượng căn có vị đắng, tính hàn. Có tác dụng hoạt huyết, giảm đau, thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc, hoá đàm, chỉ khái. Thường được dùng chữa bế kinh, đau do phong thấp, do chấn thương, té ngã, trị thấp nhiệt hoàng đản, bỏng lửa nước sôi, ho do phế nhiệt,... Ngày dùng 10 - 30g dưới dạng thuốc sắc.

Chữa phong thấp, viêm khớp, đầu gối và mu bàn chân sưng đỏ, đau nhức: Hổ trượng căn, gối hạc, bìm bịp, mộc thông, mỗi vị 15-20g, sắc uống. Dùng 7-10 ngày.

Chấn thương ứ máu: Hổ trượng căn 20g, lá móng 30g, nước 300ml, sắc còn 150ml, hoà thêm 20ml rượu, chia làm 2 lần uống trong ngày để giảm đau, tan huyết ứ.

Vị thuốc hổ trượng căn.

Chữa đau vai gáy, cánh tay: Hổ trượng căn 8g, củ nghệ 10g, cành dâu tằm 10g, bạch truật 10g, cam thảo 4g, sắc uống trong ngày.

Trị viêm gan siêu vi thể vàng da: Hổ trượng tươi 20g, lá liễu tươi 30g, địa cam thảo tươi 30g, sắc uống ngày 1 thang, uống liền trong 10-15 ngày.

Xơ gan: Hổ trượng căn 20g, đan sâm 15g, hồng hoa 3g, chỉ sát 10, trạch tả 15g, trư linh 30g, trần bì 6g, sơn tra 15g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống trong vòng 1 tuần.

Hạ đường huyết thể nhẹ: Hổ trượng căn 10g, trúc diệp (lá tre) 20g, thổ phục linh 10g, gừng tươi 8g, cam thảo 6g, sắc uống trong ngày thay trà.

Chú ý: Không dùng cho phụ nữ có thai.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga

Lá tre: thanh nhiệt, hạ sốt

Lá tre là một dược liệu dùng phổ biến trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Lá tre được thu hái khi phiến lá chưa mở hết, màu xanh mởn. Dược liệu được dùng tươi, có vị ngọt nhạt, hơi cay vào các kinh tâm, phế, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu giảm sốt. Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh có dùng lá tre:

Chữa viêm thanh quản, mất tiếng: Lá tre 12g, trúc nhự 12g, tang bạch bì 12g, thổ bối mẫu 10g, thanh bì 8g, cát cánh 8g, nam tinh chế 6g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa cảm sốt, miệng khô khát: Lá tre 16g, kim ngân 16g, cam thảo đất 12g, kinh giới 8g, bạc hà 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Sơ đồ viêm thanh quản.

Chữa viêm phế quản cấp tính: Lá tre 12g, thạch cao 16g, tang bạch bì 12g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, thiên môn 12g, hoài sơn 12g, lá hẹ 8g. Sắc uống trong ngày.

Chữa tràn dịch màng phổi: Lá tre 10g, phục linh 12g, thương truật 10g, hồng hoa 8g, đào nhân 8g, cam thảo 6g, nguyên hoa 4g, cam toại 4g, ba kích 4g, đại táo 10 quả. Sắc uống ngày 1 thang (cần theo dõi mạch và huyết áp người bệnh vì bài thuốc có thể gây tiêu chảy).

Chữa viêm bàng quang cấp tính: Lá tre 16g, sinh địa 12g, mộc thông 12g, hoàng cầm 12g, cam thảo 6g, đăng tâm 6g. Sắc uống trong ngày.

Chữa đái ra dưỡng trấp: Lá tre 20g, kim tiền thảo 20g, mía đỏ 20g, giá đỗ xanh 16g, tì giải 16g, ý dĩ 12g, hoạt thạch 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa trẻ em co giật: Lá tre 16g, sinh địa 12g, mạch môn 12g, câu đằng 12g, lá vông 12g, chi tử 10g, cương tàm 8g, bạc hà 8g. Sắc uống trong ngày.

Chữa sởi ở thời kỳ đang mọc: Lá tre 20g, sài đất 16g, sắn dây 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống trong ngày.

Chữa thủy đậu: Lá tre 8g, liên kiều 8g, cát cánh 4g, đạm đậu sị 4g, bạc hà 2g, sơn chi 2g, cam thảo 2g, hành tăm 2 củ. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa loét miệng: Lá tre 16g, thạch cao 20g, sinh địa 16g, chút chít 16g, cam thảo nam 16g, huyền sâm 12g, ngọc trúc 12g, mộc thông 12g. Sắc uống trong ngày.

DS. Nguyễn Thị Hồng

Đậu xanh: Khắc tinh của bệnh tật!

Ngoài tác dụng làm thực phẩm, đậu xanh (ĐX) còn được dùng để làm đẹp và chữa bệnh rất hiệu quả. Loại thực phẩm này đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời. Sách nam dược thần hiệu của danh y Tuệ Tĩnh viết: “ĐX không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt, có thể làm sạch mát nước tiêu, chữa lở loét, làm sáng mắt, trị được nhiều bệnh”…

Món ăn giải độc

ĐX còn gọi là đậu chè, đậu tằm, đậu tắt, lục đậu. Có tên khoa học Vigna radiata (L.) Wilczek var. radiata (Phaseolus radiatus L.), thuộc họ Đậu -Fabaceae.

Cây ĐX thuộc loại cây thảo mọc đứng, cao cỡ 50cm. Lá có 3 lá chét, có lông ở cả hai mặt. Chùm hoa ở nách lá. Hoa màu vàng lục. Quả đậu hình trụ, mảnh, có lông, trong chứa nhiều hạt hình trụ ngắn, gần hình cầu, màu xanh, ruột màu vàng, có mầm ở giữa.

Hạt ĐX có kích thước nhỏ, đường kính khoảng 2 - 2,5mm. Người ta thu hái quả, phơi khô, lấy hạt để làm thực phẩm, chế biến các thức ăn như: cháo, xôi, bánh, chè, xay thành bột làm miến, rang vàng tán bột làm thực phẩm ngũ cốc dinh dưỡng… hoặc ủ cho lên mầm để làm giá ĐX.

đậu xanhĐậu xanh

Theo Đông y, ĐX có vị ngọt, hơi tanh, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền nhiệt, ích khí lực, điều hòa ngũ tạng, giảm đau sưng. Thường dùng dưới dạng nấu cháo ăn, hoặc nấu nước uống trong các trường hợp: cảm sốt vào mùa hè, trúng nắng, tiêu khát (khát nước uống nhiều), đái tháo đường, đi tiểu khó, đau bụng do nhiệt, bụng nóng cồn cào, buồn phiền khó chịu, nhức đầu, nôn mửa, phụ nữ có thai bị nôn ọe, không yên.

Ngoài ra, ĐX rất có ích cho người hay bị các loại bệnh nhiệt ngoài da như: mụn nhọt, ghẻ lở, nổi mề đay; người bị cao huyết áp, cholesterol máu cao, viêm gan mãn tính, say rượu; trẻ em bị bệnh quai bị, sởi...

Nước nấu ĐX, cam thảo (ĐX 120g, cam thảo sống 60g), có tác dụng giải độc khi uống nhầm thuốc (thủy ngân, thạch tín...), uống thuốc quá liều (ô đầu, phụ tử…), giải độc do ngộ độc thức ăn, ngộ độc sắn, ngộ độc nấm.

Những món ăn phòngchống các loại bệnh ôn nhiệt vào mùa hè

Cháo ĐX, lá sen: ĐX (để nguyên vỏ) 100g, lá sen tươi 1 cái, gạo tẻ 100g. Lá sen rửa thật sạch, để ráo. ĐX và gạo đãi sạch rồi ninh nhừ thành cháo. Khi cháo chín, dùng lá sen đậy lên trên mặt nồi cháo. Đun lửa nhỏ một thời gian, đến khi cháo có màu xanh nhạt là được.

Hoặc dùng: ĐX (để nguyên vỏ) 100g, lá sen tươi l/4 lá, gạo tẻ 100g. ĐX rửa sạch, cho vào nồi nấu trước. Lá sen rửa sạch, cắt nhỏ. Gạo vo sạch, để ráo. Khi ĐX chín mềm, cho gạo tẻ và lá sen vào nấu nhừ thành cháo loãng. Ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 tô, vào lúc đói bụng.

Món ăn này có tác dụng bổ dưỡng cơ thể, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thử trừ phiền, lợi thủy tiêu thũng, giúp giảm mỡ máu, hạ huyết áp và phòng chống béo phì.

Cháo ĐX, sắn dây: bột sắn dây 50g (hoặc củ sắn dây 100g), ĐX (để nguyên vỏ) 100g, gạo tẻ 50g.

Gạo tẻ và ĐX vo sạch, đem ninh nhừ thành cháo. Khi chín, cho bột sắn dây đã hòa nước vào, khuấy đều, đun thêm một lát là được (nếu dùng củ sắn dây thì cho vào cùng lần với gạo và ĐX).

Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thử lợi thủy, sinh tân dịch, giải khát, là món ăn có ích cho sức khỏe trong mùa hè nóng nực, rất tốt cho người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, thiểu năng tuần hoàn não.

Canh ĐX: nấu canh ĐX ăn rất tốt cho người bị bí tiểu. Trường hợp có đau rát ở đường niệu, có thể dùng 500g giá ĐX giã nát lấy nước, cho thêm đường vào uống.

Khi bị nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa do trúng độc hơi than, có thể nấu canh ĐX để ăn, hoặc dùng bột ĐX 30g, hòa với nước sôi để uống.

Lưu ý: nên dùng ĐX còn nguyên vỏ, vì theo Đông y, vỏ ĐX có vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt giải độc tốt hơn thịt hạt đậu, còn giúp sáng mắt, lợi tiểu, trừ phiền.

Dùng ngoài, ĐX được chế biến như sau:

- Chữa giời leo: ĐX rửa sạch, giã nát nhuyễn (hoặc nhai sống), lấy bã đắp vào chỗ đau.

- Bột ĐX, hoạt thạch: bột ĐX 20g, bột hoạt thạch 30g, hai thứ trộn đều, dùng xoa lên những chỗ bị rôm sảy.

- Chữa dị ứng sơn: ĐX sống 100g, rửa thật sạch, ngâm nước trong 12 giờ, lấy ra giã nát thành dạng vữa, cho thêm 30g kim ngân hoa đã nghiền nát, hai thứ trộn đều, đắp vào chỗ bị lở sơn.

Lương y ĐINH CÔNG BẢY

Phật thủ

Phật thủ được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên mâm ngũ quả ngày Tết. Phật thủ có nhiều cánh múi chụm lên như 10 ngón tay nên dân gian gọi là tay Phật với niềm cầu mong được bàn tay Phật trời ban phúc lộc. Ngoài ý nghĩa tâm linh, phật thủ còn có nhiều tác dụng phòng chữa bệnh.

Phật thủ - Vị thuốc quý 1Quả phật thủ có tác dụng chữa nhiều bệnh.
Theo Đông y, phật thủ vị cay, chua và đắng, tính ấm; vào can vị phế. Có tác dụng lý khí hóa đàm, thư can hòa vị chỉ thống. Dùng cho các trường hợp đau tức vùng liên sườn, vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ho hen phế quản nhiều đờm, khó thở. Liều dùng: 2 - 10g quả khô, dưới dạng nấu, hãm.

Chữa ho đờm, viêm khí quản mạn tính: phật thủ 6g, bán hạ 6g. Sắc uống trong ngày.

Chữa đầy bụng, biếng ăn, nôn mửa: phật thủ 3 - 10g, sắc uống hoặc ngâm rượu.

Rượu phật thủ: phật thủ 30g, rượu trắng 500ml. Ngâm trong 7 - 10 ngày. Mỗi lần uống không quá 40 - 50ml. Dùng cho các trường hợp rối loạn tâm thần ý thức (trầm cảm ức chế...).

Xi-rô phật thủ: phật thủ 15g rửa sạch thái nhỏ, đường trắng lượng thích hợp cho vào trong bình trà, đổ nước sôi hãm uống thay trà. Dùng cho các bệnh nhân đau quặn bụng do đầy hơi trướng bụng.

Cháo phật thủ: phật thủ 10 - 15g, gạo tẻ 60 - 80g. Nấu phật thủ lấy nước bỏ bã, nấu với gạo tẻ, khi cháo được cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi. Dùng cho các trường hợp sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi.

Chè phật thủ: phật thủ 10g. Rửa sạch, thái nhỏ, cho nước sôi hãm uống thay nước chè ngày 1 lần. Dùng cho các bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, co thắt tâm vị, đầy ợ hơi, buồn nôn, nôn ói.

Chè phật thủ cốc tinh thảo: phật thủ 60g, cốc tinh thảo 15g, chè 3g. Phật thủ, cốc tinh cùng nấu lấy nước, khi đã gần đặc gạn lấy nước vào ấm đã cho chè sẵn. Cho uống ngày 1 ấm, đợt dùng 5 - 7 ngày. Dùng cho các bệnh nhân viêm thị thần kinh, thị lực giảm.

Ruột lợn hầm phật thủ: ruột non lợn 1 đoạn, phật thủ 15 - 30g. Ruột lợn làm sạch thái đoạn, nấu với phật thủ, thêm gia vị thích hợp cho ăn. Dùng cho phụ nữ bị huyết trắng khí hư. Tuần dùng 2 - 3 lần, dùng liền trong 2 - 3 tuần.

Lưu ý: Người âm hư hỏa vượng cần thận trọng khi dùng phật thủ.

TS. Nguyễn Đức Quang

Trị tiêu chảy bằng cây gáo tròn

Gáo tròn là loại cây mọc hoang ở trong rừng thuộc cây thân gỗ có tên khoa học Haldina cordifolia (Roxb) ridsd, thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).

Loại cây này có ở Đông Dương và Ấn Độ..., như Việt Nam, Trung Quốc, Sri Lanka, Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Mianma, Thái Lan... cây thân gỗ có kích thước lớn cao tới 35m, đường kính đến 100cm. Gỗ gáo xẻ có bề mặt mịn sạch và đẹp nên được dùng làm đồ mỹ nghệ, nội thất, trang trí... Thân tròn thẳng đứng, vỏ cây khi còn non có màu nâu tro, tròn nhẵn. Khi trưởng thành vỏ màu nâu có sọc thẳng đứng. Cành nhánh dài và phẳng, ngọn hơi rủ, tán hình dù. Lá hình mắt chim hay trái xoan, hình tim ở gốc, có đuôi nhọn dài ở chóp, chiều dài của lá khoảng từ 10 - 30cm, rộng 8 - 20cm, màu lục sẫm và mặt trên lá nhẵn, nhạt màu hơn và mặt dưới lá có lông mềm, lá dai. Hoa vàng, thành đầu hình cầu, đường kính khoảng 18 - 25mm, xếp 1 - 3 cái, có cuống dài 3 - 9cm. Quả nang dài 3 - 4mm, rộng 2mm ở đỉnh, hình nêm, có lông mềm. Hạt có từ 6 - 8, có cánh ở hai đầu, nhọn ở gốc và chia đôi ở đỉnh. Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ thân cây và rễ với tên dược liệu là Cortex et Radix Haldinae, Cordifoliae.

Thành phần hóa học chủ yếu ở vỏ thân cây thấy chứa tanin chiếm từ 7,27 - 9,27%, một số sắc tố màu vàng là adinin chiếm 0,09%...

Ở nước ta còn có một cây khác cũng gọi tên gáo, phây vi hoặc thkeou, tên khoa học là Anthocephalus indicus A Rich, họ Cà phê (Rubiaceae). Là loại cây gỗ lớn, mọc thẳng đứng, tán hình chóp, thấy ở vùng Tiên Yên Quảng Ninh vỏ của cây cũng sắc uống làm thuốc trị sốt, ho và làm thuốc bổ. Ở Ấn Độ, người ta cũng dùng nó làm thuốc và làm thuốc bổ. Lá sắc dùng để súc miệng, quả chát dùng trị tiêu chảy, vỏ còn được dùng làm thuốc nhuộm đen rất bền màu.

Đông y cho rằng vỏ gáo tròn có công hiệu hạ sốt, khử khuẩn và làm săn da. Vì vậy nhân dân vẫn sử dụng vỏ cây gáo tròn làm thuốc hạ sốt (có thể sử dụng cả gỗ cây gáo thái mỏng sắc làm thuốc hạ sốt). Tại Ấn Độ người ta đã sử dụng vỏ gáo tròn làm thuốc sát khuẩn các vết thương. Ở Campuchia sử dụng rễ gáo tròn trị tiêu chảy và kiết lỵ. Liều sử dụng trung bình cho dạng thuốc sắc là 10 - 16g/ngày.

Dưới đây xin giới thiệu vài phương tiêu biểu trị bệnh có vị thuốc gáo tròn.

Trị kiết lỵ, tiêu chảy: Rễ cây gáo tròn lấy một nắm to cho vào 1.000ml nước đun sôi kỹ, rồi lấy nước uống trong ngày. Mỗi lần uống chừng 100ml - 150ml.

Trị tiêu chảy: Vỏ cây chòi mòi, cây van núi, cây gáo tròn, mỗi thứ 1 nắm như nhau cho vào hãm lấy nước uống 3 - 4 lần trong ngày, mỗi lần chừng 100ml.

Trị vết thương: Lấy vỏ cây gáo tròn chừng 50 - 60g, cho nước vào nấu lấy nước đặc để rửa các vết thương bị nhiễm khuẩn ngày 2 lần.

Chữa xơ gan cổ trướng: Vỏ gáo 10g, cỏ sữa lá lớn 10g, cỏ xước toàn cây 10g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Uống liền 15 ngày.

BS. Hoàng Xuân Đại

Lá dâu nhuận phế, an thần

Dâu tằm là loài cây được nhân dân ta nuôi trồng từ lâu đời. Bà con thường trồng một vài cây dâu vừa làm hàng rào vừa làm thuốc. Có người cho rằng, cây dâu có tác dụng kỵ tà. Trong quá trình trồng dâu nuôi tằm, các vị lương y ngày xưa đã phát hiện ra cây dâu cho tới 7 vị thuốc quý để chữa bệnh, đó là cành dâu (tang chi), vỏ rễ dâu (tang bạch bì), quả dâu (tang thầm), tầm gửi cây dâu (tang ký sinh), tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu), sâu dâu và đặc biệt là lá dâu (tang diệp) - một vị thuốc được sử dụng rất nhiều trong Đông y.
Lá dâu nhuận phế, an thần 1Lá dâu nhuận phế an thần, tốt cho người bị ho do phế nhiệt, viêm họng, suy nhược thần kinh.

Tang diệp vị ngọt, tính mát vào kinh phế và kinh tâm. Có tác dụng trừ ho, chống cảm cúm, bổ tâm an thần, bổ âm liễm phế, cố biểu, dùng cho những trường hợp phế nhiệt, ho khan, viêm họng, viêm thanh quản, suy nhược thần kinh, đau đầu mất ngủ, tim hồi hộp. Liều dùng 30 - 50g/ngày dược liệu tươi hoặc 15 - 19g/ngày dược liệu khô. Xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng tang diệp.

Trị ho khan do phế nhiệt: người bệnh ho kéo dài, hơi thở nóng, khô họng, khô niêm mạc, đau rát họng, đờm vàng dính. Dùng một trong các bài:

Bài 1: lá dâu 40g, lá xương sông 20g, mạch môn 16g, cát cánh 16g, mã đề thảo 16g, lá đinh lăng 16g, rau tần dày lá 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: lá dâu 20g, cát căn 16g, lá vông 16g, mơ muối 10g, cam thảo 12g, lá xương sông 20g, rau má 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trị đau ngực do thiểu năng mạch vành, hồi hộp khó ngủ, lo âu trằn trọc. Dùng bài: lá dâu 40g, lạc tiên 24g, lá vông 20g, lá đinh lăng 24g. Sắc lấy nước đặc chia 2 lần uống vào buổi tối.

Trị cảm thử, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mồ hôi ra nhiều, người mệt lả, nhịp tim nhanh. Dùng bài: lá dâu 40g, hoàng kỳ 16g, mẫu lệ 16g, bạch biển đậu 16g, đương quy 12g, bạch truật 16g, phòng sâm 12g, sinh khương 4g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trị viêm phế quản mạn tính: người bệnh ho nặng tiếng, đau ngực, khó thở, rát họng, đờm dính. Dùng bài: lá dâu sao vàng 15g, cát cánh 16g, tía tô 16g, cam thảo 16g, mơ muối 10g, rau tần dày lá 12g, sa sâm 16g, bối mẫu 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trị suy nhược thần kinh, đau váng đầu, khó ngủ, trí nhớ giảm. Dùng bài: lá dâu 30g, phục thần 10g, hắc táo nhân 16g, đương quy 16g, hà thủ ô 12g, phòng sâm 16g, khởi tử 16g, đại táo 5 quả. Sắc uống ngày 1 thang.

Trị rụng tóc, khô tóc. Dùng bài: lá dâu, cỏ mần trầu mỗi thứ 1 nắm cho vào nồi, đổ vừa nước đun sôi để ấm rồi gội đầu. Dùng thường xuyên sẽ có hiệu quả tốt.

Lương y Trịnh Văn Sỹ

Câu đằng trị tăng huyết áp

Câu đằng (Uncaria spp) tên khác là dây móc câu, dây dang quéo, móc ớ, vuốt, co nam kho (Thái), pước cậu, nam lập câu (Tày), ghím tỉu (Dao).

Bộ phận dùng làm thuốc của cây câu đằng là đoạn thân (mấu cành) có gai ở kẽ lá, cong và cứng như lưỡi câu, thu hái vào mùa hè thu, phơi hoặc sấy khô. Đoạn thân bánh tẻ tốt hơn đoạn già, thường không dài quá 3cm. Gai dài chừng 2 cm. Loại 2 gai có tác dụng tốt hơn loại 1 gai. Không dùng đoạn thân không có gai. Thành phần hóa học của móc câu đằng là alcaloid, tanin, saponosid, coumarin và flavonoid. Dược liệu câu đằng có vị ngọt, chát, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, trấn kinh, tản phong, bình can, thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Chữa tăng huyết áp, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt:

- Câu đằng 10g, xuyên khung 5g, quế chi 3g, cam thảo 2g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100 ml uống làm 2 lần trong ngày.

- Câu đằng 10g, lá dâu 8g, cúc hoa vàng 8g, hạ khô thảo 8g, thảo quyết minh 8g, sao vàng. Sắc uống.

- Câu đằng, phòng phong, phục thần, cúc hoa vàng, đảng sâm, phục linh, trần bì, mạch môn, mỗi thứ 15g; thạch cao 30g; cam thảo 7,5g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 12g dưới dạng nước sắc.

- Câu đằng, thạch quyết minh, ích mẫu, mỗi thứ 12g; hạ khô thảo 10g; đỗ trọng 9g; hoàng cầm 6g. Sắc uống trong ngày.

- Câu đằng 12g, kỷ tử, thạch hộc, sa sâm, hạ khô thảo, mạch môn, mẫu lệ, mỗi thứ 8g; trạch tả, địa cốt bì, cúc hoa, táo nhân, mỗi thứ 6g. Sắc uống.

Chữa sốt cao, chân tay co giật, nghiến răng:

- Câu đằng 10g, kim ngân hoa 9g, cúc hoa vàng 6g, địa long 6g, bạc hà 3. Tất cả sắc với 200ml nước còn 50 ml, uống làm 1 lần trong ngày.

- Câu đằng 10g, thiên ma 10g, bọ cạp 4g, cam thảo 3g, mộc hương 2g, sừng tê giác 2g. Sắc uống.

- Câu đằng 12g, răng lợn 12g, đốt cháy; bọ cạp 12g, bỏ đầu, rút ruột, tẩm rượu, sao giòn; kinh giới 40g; thuyền thoái 8g; phèn phi 8g. Tất cả phơi khô, sấy giòn, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với hồ làm viên bằng hạt đỗ xanh. Trẻ em 5-6 tháng tuổi, mỗi lần uống 2 viên; một năm tuổi, mỗi lần 3 viên; 2 năm tuổi mỗi lần 5 viên. Nghiền thuốc với trúc lịch (cây tre non ép lấy nước). Ngày uống 2-3 lần.

- Câu đằng 12g, kim ngân hoa 12g, địa long 10g, liên kiều 10g, bọ cạp 3g. Sắc uống hoặc tán bột uống.

- Câu đằng 10g, cúc hoa vàng 9g, lá dâu tằm 9g, hoàng cầm 9g, tằm vôi 5g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa trúng phong, liệt thần kinh mặt:

- Câu đằng 15g, bạch thược 12g, địa long 12g, trân châu 9g, đại hoàng 9g, trúc lịch 25ml. Sắc uống.

- Câu đằng 12g, dây hà thủ ô tươi 24g. Sắc uống trong ngày.

Chú ý: Khi sắc thuốc gần được, mới cho câu đằng vào để cho sôi 1-2 phút, trào là được.

DS. Hữu Bảo

Boòng boong trị tiêu chảy, bí tiểu

Quả boòng boong còn có tên thạch vĩ dây, dâu da đất... Tên  khoa học Lygodium flescuosum Sw, là một đặc sản của xứ Quảng. Đông y gọi là “hải kim sa” vì cây này có rất nhiều bào tử lóng lánh như những hạt cát vàng (kim sa). Cây mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở bờ rào. Để làm thuốc, cắt toàn cây dùng tươi hay phơi khô, không phải chế biến.

Trong nhân dân dùng toàn cây boòng boong sắc uống chữa chứng tiểu tiện bí, đái dắt, đái buốt, đái ra cát sạn, đại tiện táo bón, chữa chấn thương ứ máu (uống trong, bó ngoài); giã nát đắp các vết thương phần mềm, vết loét, chín mé, mụn rộp loang vòng, còn dùng làm thuốc lợi sữa. Sau đây là một số cách dùng boòng boong làm thuốc.

Chữa tiêu chảy: boòng boong cả cây sắc nước uống.

Chữa ăn uống khó tiêu, bụng trướng đầy do thấp trệ (tỳ thấp trướng mạn): quả boòng boong 30g, bạch truật 8g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm gan: quả boòng boong 15g, nhân trần 30g, xa tiền thảo 20g. Sắc uống ngày một thang.

Đi lị ra máu: dây và lá boòng boong 60-90g, sắc kỹ với nước, chia  2-3 lần uống trong ngày.

Toàn thân phù thũng, bụng trướng như cái trống, nằm không thở được: quả boòng boong 15g, hạt bìm bìm (khiên ngưu tử) 30g, một nửa để sống một nửa sao chín, cam toại 15g. Tất cả nghiền bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 8g bột thuốc, sắc với một bát nước, uống vào trước bữa ăn hằng ngày.

Chữa di tinh, mộng tinh: Dây boòng boong đốt tồn tính, nghiền mịn; mỗi lần dùng 4-6g hòa với nước sôi uống.

Chữa tiểu ra sỏi (thạch lâm): quả boòng boong 30g, hoạt thạch 30g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, kim tiền thảo 60g, xa tiền thảo (cỏ mã đề) 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Chữa đái ra dưỡng chấp (cao lâm): quả boòng boong 40g, hoạt thạch 40g, cam thảo 10g. Tất cả tán nhỏ, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g; dùng nước sắc với khoảng 20g mạch môn (củ tóc tiên) hoặc 10g cỏ bấc đèn (đăng tâm thảo) để chiêu thuốc.

BS. Phó Thuần Hương

Dây con kiến giảm sốt

Dây con kiến hay còn gọi là dây râu rồng, đơn tai mèo, hạ quả đằng, người Mường gọi là seng thanh... tên khoa học là Gouania leptostachya DC, thuộc họ táo ta. Là loại dây leo dài, cành non nhẵn, màu nâu sau đó xám nhạt. Lá hình bầu dục như hình tim ở gốc, có mũi nhọn ở đầu, mép khía răng, nhẵn, gân mảnh nổi rõ ở mặt dưới, lá kèm rất dễ rụng; cuống lá hơi có khía rãnh ở mặt trên. Hoa tập trung thành chuỳ thưa ở nách lá hay đầu cành, cao 25cm. Hoa đơn tính, rộng 2 - 3mm; cánh hoa 1mm, màu trắng; nhị 5; bầu 3 ô. Quả khô màu nâu bóng, có 3 cánh mềm, rộng 10 - 12mm. Mùa ra hoa tháng 7 - 9, quả tháng 9 - 12.

Cây mọc hoang, thường gặp ở những nơi dãi nắng, ven đường, ven rừng, ven khe suối, đồi trọc, bãi hoang. Bộ phận dùng làm thuốc là lá và thân, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần. Bà con một số vùng thường sử dụng dây con kiến giã nhỏ thêm rượu xoa bóp vào những nơi sưng tấy, đau nhức do đòn, chỗ bị thương do ngã rất hiệu nghiệm.

Dây con kiến có tác dụng tiêu viêm, giảm đau.

Một số bài thuốc áp dụng:

- Chữa sưng tấy, tụ máu, đau nhức do chấn thương: Dùng thân hoặc lá dây con kiến giã nhỏ thêm rượu cao độ dùng để xoa bóp, đắp vào vết thương (không xoa vào vết thương chảy máu, hở da). Nếu ngã, va đập người đau ê ẩm thì có thể dùng 16g thân và lá dây con kiến sắc lấy 400ml nước, rồi cho thêm chút rượu vào uống, chia 3 lần uống trong ngày, dùng liền 3 ngày.

- Giảm sốt do viêm họng cảm cúm: Lấy 16g lá dây con kiến giã nhỏ, đắp vào trán, gan bàn tay để giảm sốt rất hiệu quả.

- Chữa bỏng nước sôi (thể nhẹ): Dùng lá và thân dây con kiến giã nát thêm chút nước sôi để nguội vào ngâm, chiết lấy dịch bôi vào vết bỏng liên tục, giúp làm mát, giảm đau vùng thương tổn.

- Trị cảm gió: Dùng 8 - 16g dây con kiến sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn trưa. Uống trong hai ngày, kết hợp ăn cháo giải cảm.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không áp dụng.

Bác sĩ Nguyễn Anh

Thảo dược làm giảm stress

Stress là một tình trạng cố gắng quá mức chịu đựng của con người, stress làm mất đi sự cân bằng tâm, sinh lý của cơ thể, con người luôn phải “gồng” mình lên, nghĩa là phải tự điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh mới. Theo y sinh học phân tử , stress liên quan mật thiết với quá trình perocide hóa ở màng tế bào. Lượng gốc tự do sản sinh nhiều là nguyên nhân của nhiều bệnh trong đó có bệnh do stress.

Thảo dược làm giảm stress 1Nấm linh chi.
Tính thích nghi với ngoại cảnh chính là khả năng của con người chống lại các stress trong cuộc sống. Theo các nhà bảo vệ sức khỏe tâm thần thì những nỗ lực chủ quan, khả năng rèn luyện nhân cách của mỗi cá thể là yếu tố cơ bản trong việc phòng, chống, hạn chế tác động của stress. Tuy nhiên, vai trò của thuốc cũng rất quan trọng bởi những hoạt chất có tác dụng làm tăng tính thích nghi của con người với ngoại cảnh là những chất có khả năng chống ôxy hóa. Tác dụng của dược liệu làm tăng tính thích nghi này còn thể hiện ở khả năng làm tăng độ bền vững của màng tế bào, đẩy mạnh khả năng sử dụng glucoza, làm tăng hoạt độ men glucoza-6-phosphat dehydrogenaza, tăng lượng NADPH là chất cho hydro cần thiết để dập tắt phản ứng, giảm thiểu một cách tích cực sự sản sinh các gốc tự do. Những dược liệu có khả năng chống được stress bao gồm:

Thảo dược làm giảm stress 2Nhân sâm.

Nhân sâm- một vị thuốc quý, có vị ngọt hơi đắng, tính ấm, quy kinh tỳ, phế. Thành phần hóa học chủ yếu gồm hỗn hợp các saponin (ginsenoid), các hợp chất fenolic, dẫn chất polyacetylen, polysaccharide, protein, các chuỗi acid amin, các vitamin B1, B2, các enzym và phytosterol... tất cả tương tác để cùng kiểm soát các chức năng sinh lý của cơ thể nhằm đưa cơ thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Nhân sâm đại bổ nguyên khí, tăng cường sức lực, giữ cho tinh lực khỏi hao tổn, hư thoát, ích huyết, sinh tân, an thần, giúp tăng trí nhớ. Nhân sâm đứng đầu các loại thuốc bổ, làm tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Đặc biệt nhân sâm Việt Nam Panaxginsen VN K5 vùng Ngọc Linh - Tây Nguyên có tác dụng bảo vệ màng tế bào, chống ôxy hóa, chống lão hóa, giảm stress rất tốt.

Ngũ gia bì gai hay còn gọi ngũ gia bì hương, cây thường mọc ở kẽ núi đá vùng Hòa Bình, Sơn Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa. Bộ phận dùng là vỏ cây và rễ. Hoạt chất chính là tinh dầu, saponin triterpen, các acid oleanolic... Ngũ gia bì hương vị cay, tính ấm, quy vào hai kinh can, thận, tác dụng làm mạnh cân, cường cốt, trừ phong thấp, tăng cường sức bền bỉ, dẻo dai, giúp cơ thể tăng khả năng thích ứng với ngoại cảnh, chống lại stress.

Thảo dược làm giảm stress 3Hương nhu tía.

Hương nhu tía có ở khắp nơi trên đất nước ta nhất là vùng đồng bằng, trung du. Thành phần hóa học là tinh dầu, trong đó có eugenol, methyleugenol và beta- caryophyllen... Hương nhu tía vị cay, tính ấm, quy vào hai kinh phế, vị. Có tác dụng tán hàn, giải biểu, kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, lợi niệu; chữa các chứng cảm mạo, cảm nắng, đau đầu, sốt không có mồ hôi, phù thũng, đau bụng đi ngoài. Đặc biệt, theo tài liệu công bố của Ấn Độ, hương nhu tía còn có tác dụng chống stress mạnh hơn cả nhân sâm và ngũ gia bì hương.

Linh chi - thành phần hoạt chất độc đáo của dược liệu này chính là cấu trúc các nguyên tố vi lượng đủ loại, trong đó một số khoáng tố như germanium, vanadium, crom... được khẳng định là nhân tố quan trọng cho nhiều loại phản ứng chống ung thư, dị ứng, lão hóa, xơ vữa, đông máu nội mạch, giúp điều chỉnh dẫn truyền thần kinh, bảo vệ cấu trúc tế bào. Khác với các loại thuốc bổ thông thường, linh chi hữu ích cho cơ thể hơn nhiều qua kiểu đòn bẩy. Nó một mặt thanh lọc cơ thể một cách toàn diện và đồng bộ qua tác dụng lợi tiểu và lợi mật, một mặt kích thích nhiều chuỗi phản ứng sinh hóa trong cơ thể nhờ vai trò xúc tác của khoáng tố vi lượng. Linh chi có tác dụng điều hòa, củng cố, ổn định các chức năng cơ thể, tăng sức đề kháng, tăng sức dẻo dai, bền bỉ trong lao động trí óc và thể lực, cải thiện quá trình chuyển hóa dinh dưỡng và đặc biệt làm tăng tính thích nghi của con người với ngoại cảnh, chống lại stress.

DSCKI. Phạm Hinh